Việc mua bán NFT đang dần thu hút sự quan tâm của người dùng internet, với dữ liệu gần đây cho thấy tổng doanh số bán hàng đã tăng lên tới 12 tỷ USD. Doanh số bán hàng cũng tăng từ 41 triệu USD trong năm 2018 lên 2,5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021 – tăng trưởng gấp 60 lần trong ba năm rưỡi. Trong khi nhiều người vẫn chưa hiểu NFT là gì hoặc cách chúng hoạt động, một số quốc gia đã và đang sử dụng NFT.

Triển vọng NFT toàn cầu

Triển vọng sở hữu NFT khá hứa hẹn. Một số quốc gia có dấu hiệu bật đèn xanh cho NFT, một số ít hơn sở hữu hoặc thậm chí có đủ kiến ​​thức về NFT. Chẳng hạn như Cộng hòa San Marino áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19 NFT vì các mã thông báo sẽ giúp xác thực tài liệu và tránh việc làm giả giấy tờ.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Finder, trên toàn thế giới, trung bình 66% người thậm chí không biết NFT là gì. Thiếu nhận thức về NFT tại Mỹ còn cao hơn, ở mức 70,6%, trong khi 90% người Nhật không quen với khái niệm tài sản kỹ thuật số.

Thực tế, NFT đã phát triển mạnh mẽ dù không được áp dụng rộng rãi, chưa nói đến việc đạt được sự công nhận. Điều đó cho thấy tiềm năng của nó sau này vẫn còn lớn. Khi hầu hết người dân ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh và Nhật Bản không biết tới  NFT, một số ít người bắt đầu mua và kinh doanh chúng, mở ra cơ hội tăng trưởng lớn trong tương lai.

Các động lực chính cho việc sở hữu NFT

NFT xuất hiện lần đầu tiên với sự ra mắt của CryptoPunks – thị trường nghệ thuật kỹ thuật số hiếm hoi đầu tiên trên thế giới – vào tháng 10/2017 và tạo ra làn sóng kể từ đó.

Một động lực chính của việc mua bán NFT là độ hiếm của chúng. NFT có thể là tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị của một nghệ sĩ nổi tiếng trong ngành hoặc NFT do người nổi tiếng tạo ra.

Ảnh hưởng của người nổi tiếng cũng thúc đẩy sự phát triển của NFT. Với sự tham gia của những người nổi tiếng và có ảnh hưởng vào không gian NFT, các nền tảng như Ethernity bắt đầu sản xuất NFT phiên bản giới hạn của người nổi tiếng.

Nữ diễn viên Hollywood Lindsay Lohan đã bán chiếc NFT đầu tiên của mình vào ngày 15/2 với giá 57.290 USD. NFT đầu tiên của ngôi sao Bollywood Amitabh Bachchan cũng có giá cao ngất ngưởng. Điều này có thể dẫn đến một làn sóng quan tâm tới việc thu thập tài sản kỹ thuật số.

Một yếu tố quan trọng khác là NFT không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật, mà còn bao gồm video, âm nhạc, GIF, thể thao và đặc biệt là game. Người chơi có thể tạo doanh thu thông qua nội dung trong trò chơi ở dạng NFT. Do đó, mô hình trò chơi blockchain chơi để kiếm tiền là một cơ hội phát triển to lớn cho NFT.

Báo cáo NFT của Finder đã thăm dò ý kiến ​​của hơn 28.000 người trên 20 quốc gia. Theo đó, top 5 quốc gia hàng đầu về sở hữu NFT chủ yếu là các nước châu Á. Philippines có nhiều chủ sở hữu NFT nhất (32%), tiếp theo là Thái Lan (27%), Malaysia (24%), UAE (23%) và Việt Nam (17%).

Theo báo cáo, Philippines có 9,5% người được phỏng vấn dự định mua NFT và dự báo tỷ lệ sở hữu NFT sẽ lên tới 41,5%. Đây là mức cao nhất, theo sau là Thái Lan với tỷ lệ 34,5% và có 7,9% số người tham gia cuộc thăm dò dự định mua NFT. Việt Nam có 11,62% người tham gia dự định mua NFT và dự báo tỷ lệ sở hữu NFT là 29,1%.

Mặt khác, Nhật Bản có tỷ lệ người có NFT nhỏ nhất (2%), tiếp theo là Anh và Mỹ (3%), Đức (4%), Úc (5%) và Canada. (6%).

Ngoài ra, ở 17 trong số 20 quốc gia được khảo sát, nam giới có nhiều khả năng mua NFT hơn phụ nữ. Trong số này, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Việt Nam và Malaysia có khoảng cách giới tính lớn nhất.

Theo Coin Rivet