Cầu nối blockchain là gì?
Cầu nối blockchain là một công cụ cho phép người dùng chuyển các tài sản từ blockchain này sang blockchain khác, giải quyết một trong những vấn đề khó khăn chính trong blockchain - thiếu khả năng tương tác.
Ví dụ, nếu người dùng sử dụng cầu nối để gửi một đồng Solana đến ví Ethereum, ví đó sẽ nhận được token đã được “bắc cầu” - được chuyển đổi dựa trên blockchain mục tiêu. Trong trường hợp này, ví Ethereum sẽ nhận được token ERC-20 - tiêu chuẩn token chung cho các token có thể thay thế trên Ethereum.
Trong khi các cầu nối mở ra thị trường mới và hướng tới một tương lai kết nối đa chuỗi triển vọng hơn, chúng cũng đi kèm với những thách thức về vấn đề bảo mật. Điều đó đã được chứng minh bằng một vụ tấn công với thiệt hại lên tới 326 triệu đô la trên cầu nối Wormhole mới ra đời vào tháng 2/2022.
Các loại cầu nối blockchain
Một số cầu nối được gọi là cầu một chiều, chỉ cho phép người dùng chuyển các tài sản vào blockchain mục tiêu chứ không có chiều ngược lại. Ví dụ: Wrapped Bitcoin cho phép bạn gửi Bitcoin vào blockchain Ethereum - để chuyển đổi BTC thành một stablecoin ERC-20 - nhưng nó không cho phép bạn gửi Ether vào blockchain Bitcoin. Các cầu nối khác như Wormhole và Multichain là hai chiều, có nghĩa là người dùng có thể tự do chuyển đổi tài sản đến và đi từ các blockchain.
Các cầu nối có thể có giám sát (hay còn được gọi là tập trung) hoặc không có sự giám sát (phi tập trung). Sự khác biệt giữa chúng chính là người có quyền kiểm soát các token được sử dụng để tạo tài sản bắc cầu. Ví dụ, tất cả các WBTC đều do BitGo quản lý, khiến nó trở thành một cầu nối tập trung. Ngược lại, các tài sản bắc cầu của Wormhole được nắm giữ bởi các giao thức, có nghĩa là nó được phân cấp nhiều hơn.
Trong khi những người ủng hộ đường lối cứng rắn về phân quyền có thể cho rằng, bản chất sự giám sát của WBTC khiến nó kém an toàn hơn so với các giải pháp thay thế phi tập trung. Nhưng các cầu nối phân cấp quyền giám sát qua các tài sản bắc cầu không hẳn đã an toàn hơn, như trường hợp của Wormhole.
Tại sao lại phải sử dụng cầu nối blockchain?
Việc chuyển tài sản từ blockchain này sang blockchain khác đi kèm với vô số lợi ích. Đầu tiên, blockchain mà người dùng muốn chuyển tài sản vào đó có thể rẻ hơn và nhanh hơn so với blockchain gốc của nó. Điều này chắc chắn đúng với Ethereum, nơi phí giao dịch cao và thông lượng chậm gây khó khăn cho những người mới tham gia vào lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi).
Nếu các nhà đầu tư chuyển tài sản sang mạng layer 2 - một blockchain nhanh hơn, như Arbitrum hoặc Polygon - thì họ có thể giao dịch token ERC-20 với một phần nhỏ chi phí mà không phải từ bỏ việc tiếp xúc với token Ethereum.
Các nhà đầu tư có thể sử dụng cầu nối để tận dụng tối đa các thị trường chỉ tồn tại trên một blockchain khác. Ví dụ: giao thức DeFi Orca chỉ có sẵn trên Solana, nhưng hỗ trợ phiên bản của ETH.
Các cầu nối cũng đang trở nên dễ sử dụng hơn. Nhiều giao thức DeFi có cầu nối tích hợp để cho phép người dùng của họ hoán đổi token từ các giao thức khác nhau mà không cần phải rời khỏi nền tảng. Điều này làm cho quá trình chuyển đổi token thông qua các cầu nối ít phức tạp hơn.
Các cầu nối blockchain lớn nhất?
Theo DeFi Llama , đã có 21,8 tỷ đô la tiền điện tử bị khóa trong các cầu tính đến tháng 3/2022. Cầu blockchain lớn nhất là Wrapped Bitcoin, với tổng giá trị là 10,2 tỷ đô la bị khóa (TVL).
Một thống kê trên Dune Analytics cho thấy cầu nối Avalanche là cầu nối Ethereum lớn nhất, với khoảng 6 tỷ USD TVL, tiếp theo là Polygon (5 tỷ USD TVL) và Anyswap (4,2 tỷ USD TVL).
Các cầu nối blockchain có an toàn không?
Giống như với tất cả tiền điện tử, nguồn vốn của các nhà đầu tư vẫn sẽ gặp phải những rủi ro nhất định. Một số cầu nối phi tập trung mới chưa được bảo vệ và ngay cả những cầu đã được bảo vệ cũng có thể bị tấn công. Ví dụ đáng chú ý nhất gần đây là Wormhole, hay một tuần trước cuộc tấn công đó, một cầu nối khác là Qubit đã bị “cuỗm” mất 80 triệu đô la .
Theo phân tích từ công ty phân tích blockchain Elliptic, cuộc tấn công Wormhole xảy ra vì Wormhole cho phép kẻ tấn công khai thác Ethereum mà không cần phải đặt cọc bất kỳ ETH nào. Kẻ tấn công sau đó đã rút WETH miễn phí. Một công ty giao dịch tần số cao có tên là Jump Trading đã bảo hiểm các khoản lỗ để cứu vãn giao thức này.
Các cầu nối đáng tin cậy cũng có xác suất rủi ro khác nhau. Thay vì rủi ro rằng kẻ tấn công khai thác giao thức và rút tiền mà là từ công ty nắm giữ tài sản cố định có tham nhũng hoặc mất quyền kiểm soát tài sản do không đủ năng lực hoặc do lệnh từ bên thứ ba, chẳng hạn như nếu chính phủ yêu cầu công ty đóng băng tài sản.
Theo Coindesk