Sẽ ra sao, khi bỗng một sáng tinh mơ thức dậy, bạn nhận được tin người có biệt danh là @OxSifu - một thành viên cốt cán, đồng thời là CFO của dự án Wonderland - chính là Michael Patryn, người đã từng ngồi tù liên bang 18 tháng vì tội trộm cắp danh tính và lừa đảo?
“Tôi đã sốc khi biết sự thật rằng người mà mình đã từng đặt trọn niềm tin hóa ra lại chỉ là một tên tội phạm. Điều này khiến tôi trăn trở suy nghĩ về vấn đề ẩn danh trong DeFi - nơi mà hàng triệu con người đang đặt niềm tin mù quáng vào cá nhân mà họ chẳng biết một chút gì”, Joseph Weinberg, đồng sáng lập của Shyft Network, bộc bạch.
Quá khứ đầy tội lỗi của Michael Patryn
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên tình trạng ẩn danh trong không gian tiền điện tử trở thành chiếc màn che hoàn hảo cho những phi vụ ám muội, nhưng vụ việc Wonderland bên bờ vực sụp đổ lần này làm dấy lên câu hỏi: Văn hóa ẩn danh có làm suy yếu trách nhiệm giải trình và tạo điều kiện cho lừa đảo hay không?
Ẩn danh - Tấm màng bảo vệ danh tính
Ảnh Investing
Từ thời khởi tổ, tiền điện tử đã được xây dựng dựa trên tính ẩn danh. Đồng coin vua - Bitcoin - được tạo ra bởi một nhà sáng lập bí ẩn mang tên Satoshi Nakamoto. Không ai biết ông là ai, có cuộc sống như thế nào nhưng di sản mà ông để lại đã thay đổi cuộc đời của hàng triệu con người trên toàn cầu. Trong suốt hơn thập kỉ qua, mafia, những kẻ buôn bán ma túy đã sử dụng tiền điện tử để kinh doanh trong bóng tối.
Nhờ có blockchain, người ta có thể dễ dàng di chuyển tài sản mà không cần thông qua ngân hàng hay bên thứ ba như xưa nữa. Giờ đây, khi tiền điện tử ngày càng trở thành một ngành công nghiệp chính thống, ngay cả những nhân tố hợp pháp như nhà sáng lập, kỹ sư và nhà đầu tư của các dự án, cũng nhất quyết giấu tên. Ngày càng có nhiều doanh nhân tiền điện tử, nhiều người trong số họ kiểm soát hàng trăm triệu đô la trong quỹ đầu tư, thực hiện công việc qua tấm hình đại diện bí ẩn trên internet. Đội ngũ ẩn danh sẽ không bị kiểm tra bất cứ thông tin nào, dù cho là cơ bản nhất để đảm bảo rằng họ không mang tiền án tiền sự có thể gây ảnh hưởng tới người dùng.
Quay trở lại câu chuyện Wonderland, chính tính ẩn danh này đã để nhân tố xấu như Patryn kiểm soát tiền của người dùng. Các smart contract vẫn làm đúng nhiệm vụ nhưng sự can thiệp của con người sẽ trở thành một rào cản lớn. Cộng đồng vẫn một mực tin tưởng rằng các hợp đồng không chịu sự chi phối của bất kỳ cá nhân nào, tuy nhiên, hãy thử nghĩ xem liệu bạn có đồng ý giao phó cả chục, cả trăm nghìn USD cho một kẻ lừa đảo khét tiếng, sẵn sàng xả thanh khoản bất cứ lúc nào không?
Có một thực trạng là, ngay cả những công ty quyền lực nhất trong ngành cũng đã chấp nhận sự thật rằng các kỹ sư tiền điện tử và những người sáng lập thích hoạt động ẩn danh.
Giải thích cho điều này, những người ủng hộ tiền điện tử nói rằng ẩn danh tạo ra một thị trường bình đẳng hơn, trong đó các doanh nhân được đánh giá dựa trên chuyên môn kỹ thuật hơn là nền tảng học vấn hoặc gia đình của họ. Blockchain cung cấp hồ sơ công khai về các giao dịch, cho phép những người chơi hiểu biết đánh giá trình độ của một doanh nhân vô danh mà không cần tham khảo CV của họ.
Trong các cuộc phỏng vấn, các doanh nhân và kỹ sư tiền điện tử ẩn danh đã đưa ra nhiều lý do để che giấu tên thật. Một số lo ngại rằng những bên có liên quan pháp lý có thể đặt họ vào thế khó với các cơ quan pháp luật. Những người khác thì nói rằng họ không thích bị chú ý hoặc lo lắng rằng việc ngày càng trở nên giàu có có thể biến họ thành mục tiêu của những tên trộm hoặc hacker. Nhiều doanh nhân giấu tên còn thực hiện những bước cực đoan hơn để giữ bí mật danh tính của mình, như sử dụng phần mềm thay đổi giọng nói trong các cuộc gọi hoặc yêu cầu các đối tác kinh doanh ký các thỏa thuận không tiết lộ thông tin. Nhưng các công ty mạo hiểm vẫn sẵn sàng bất chấp rủi ro và đầu tư vào họ.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, không giống Bitcoin hay Ethereum, nơi mà tất cả các thực thi đều được dựa trên sự đồng thuận, DeFi lại khác, một cá nhân có thể âm thầm nắm trong tay mọi thứ, và cũng có khả năng biến mất không một dấu vết. Sự “bình đẳng” ở đây có lẽ là một cái giá mạo hiểm và đôi khi là quá đắt nếu dự án đột ngột rẽ sang một chiều hướng xấu.
Cái giá phải trả của việc ẩn danh
Rug-pull (Rút thảm) - thuật ngữ mô tả việc nhà phát triển đột ngột từ bỏ dự án và bỏ trốn với số tiền của nhà đầu tư
Giống như CZ - ông trùm của đế chế Binance từng chia sẻ rằng nếu được lựa chọn, ông sẽ không muốn nổi tiếng. Nhưng Binance phải có một gương mặt đại diện để huy động tiền, thiết lập niềm tin với những khách hàng đã uỷ thác tiền cho công ty. “Tôi biết chúng ta đang ở trong một ngành mà về mặt kỹ thuật, chúng ta không cần niềm tin, nhưng sự thật thì chúng ta vẫn cần đặt niềm tin ở nhiều nơi khác nhau,” CZ nói.
Có thể nói, niềm tin là một thứ thuộc về tinh thần, đôi khi nó vững chắc, kiên cố nhưng cũng bất ngờ hóa mong manh, dễ vỡ chỉ trong thoáng chốc. Nhiều dự án đã và đang tồn tại chỉ nhờ niềm tin từ người dùng, rằng một ngày nó sẽ biến họ trở thành triệu phú, tỷ phú, nhưng sự thật thì lúc nào cũng phũ phàng. Năm ngoái, những người sáng lập ẩn danh của dự án AnubisDAO đã huy động được gần 60 triệu USD trong vài giờ; và chưa đầy một ngày sau, số tiền này đã biến mất trong đợt rug-pull lớn thứ hai vào năm 2021. Hay phải kể đến dự án được tạo ra bởi một đội ngũ không rõ danh tính ăn theo phim Squid game, token của game - SQUID được FOMO, kéo giá lên tới 32 USD và rồi bất ngờ bị xả xuống về 0.
“Một điều khá buồn cười là hầu hết mọi người chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà họ CÓ THỂ đạt được, chứ không quan tâm đến RỦI RO mà họ có thể gặp phải”, một người dùng cho hay.
Sự đã rồi, người chịu thiệt hại lớn nhất ở đây là những người dùng bị bỏ lại phía sau, họ mất tất cả và thậm chí còn chẳng hay ai là người đã gây ra nỗi khốn khổ này cho mình.
“Những nhân vật sử dụng biệt danh này rất nguy hiểm. Họ có thể là ngưới tốt lúc này, nhưng có thể trở nên tồi tệ trong hai hoặc ba năm nữa,” Brian Nguyễn, một doanh nhân tiền điện tử từng mất 400.000 USD trong một vụ rug-pull, chia sẻ. Nạn nhân của những vụ rug-pull này thường vô phương chống lại những tên trộm vô danh.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hướng dẫn gần đây của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) tập trung rất nhiều vào DeFi. FATF đưa ra lập luận rằng bởi vì những người chủ chốt (key signer) nắm quyền kiểm soát các quỹ nên về cơ bản việc này biến họ thành các thực thể được quản lý. Ngoài ra, ở một mức độ nào đó các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) có thể sẽ được phân loại là các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo trong những năm tới. Tất cả những nỗ lực này nhằm để giảm thiểu sự thiếu tin cậy của văn hoá ẩn danh trong không gian crypto.
Vậy ẩn danh hay không?
Joseph Weinberg - đồng sáng lập của Shyft Network, mạng lưới ủy thác dựa trên blockchain lấy lại niềm tin, uy tín và danh tính, phát biểu: “Tương lai mà tôi muốn thấy đối với DeFi, và con đường hướng tới việc áp dụng DeFi hàng loạt, đó là việc thay thế ẩn danh hoàn toàn bằng ẩn danh giả (pseudo-anonymity) dựa trên sức mạnh và tiện ích của việc chứng thực”.
“Pseudo-anonymity” là khái niệm tiết lộ một phần danh tính và thông tin cần thiết cho người khác. Trên chuỗi, chúng ta có thể chứng thực hồ sơ lý lịch của ai đó mà không cần biết tên của họ hoặc tiết lộ thông tin cá nhân được bảo vệ của ai đó. Chúng ta có thể xác định một người nào đó là ai và họ đã làm gì, và sau đó tiết lộ những câu trả lời đó cho những người biết họ - mà không cần từ bỏ danh tính.
Tóm lại, câu chuyện ẩn danh vẫn đang là bài toán gây đau đầu đối những người tham gia thị trường này, nhưng sớm muộn cũng phải giải quyết triệt để nếu các dự án nói riêng và cả thị trường tiền điện tử nói chung muốn đi đường dài.
Xem thêm Video:
Theo Coinx3