Airdrop là gì?
Về cơ bản, Airdrop một hình thức phân phối free token cho người dùng. Các dự án blockchain thường tạo ra token riêng và sử dụng chúng làm “mồi” để anh em có hứng thú tham gia hơn.
Những gì anh em phải làm chỉ đơn giản là like, comment và chia sẻ các post trên các mạng xã hội của dự án đó hoặc tham gia các group telegram, discord mà đội ngũ phát triển tạo ra để mọi người có thể thảo luận. Các dự án sống hay chết còn phụ thuộc vào khả năng thu hút người dùng của từng loại.
Ai là người đưa ra ý tưởng?
Hiện vẫn chưa rõ ai là người đặt nền móng cụ thể cho khái niệm về airdrop. Tuy nhiên, vào năm 2017, OmiseGO - mạng lưới cổ phần được xây dựng trên nền tảng Ethereum, đã tuyên bố mình là người tiên phong sau khi tung đợt airdrop đầu tiên cho người dùng.
Mục đích của airdrop
- Thưởng cho khách hàng thân thiết
- Tạo ra sự phấn khích xung quanh dự án
- Xác định khách hàng tiềm năng sẵn sàng đón nhận các sản phẩm hoặc dịch vụ mới
- Khuyến khích người theo dõi thực hiện một số tác vụ giúp dự án phát triển như chia sẻ các bài đăng trên mạng xã hội hay tham gia vào dự án
Thông tin về airdrop ở đâu?
Nguồn: Okcoin
Có 2 loại airdrop:
- Đã xác nhận: Airdrop với ngày và khung thời gian phát hành cố định nhằm thu hút “ma mới” và thường có các nhiệm vụ cụ thể đi kèm, nếu muốn nhận thưởng thì anh em phải hoàn thành đủ nhiệm vụ đã đề ra.
- Chưa xác nhận: Những đợt airdrop này thường được dùng để tri ân anh em đã tham gia lâu năm hoặc tham gia đóng góp xây dựng dự án từ thủa “mới nhú”, đem lại sự bất ngờ khiến anh em tích cực hoạt động hơn.
Làm gì để nhận airdrop?
Trong hầu hết các trường hợp, đợt airdrop sẽ đi kèm với một số điều kiện nhất định như:
- Bấm Follow tài khoản trên mạng xã hội (thường là account chính thức của dự án)
- Chia sẻ hoặc retweet một trong những bài đăng trên feed của dự án với hashtag cụ thể
- Thực hiện một giao dịch (gửi hoặc nhận) thông qua DEX hoặc ví yêu cầu
- Tạo tài khoản và đăng ký sử dụng
Ngoài ra cũng có những đợt airdrop free hoàn toàn cho anh em “không muốn làm mà vẫn muốn có ăn”, anh em chỉ cần tập trung theo dõi thông tin mà dự án cập nhật hàng ngày trên mạng xã hội thôi.
Chờ kết quả
Nếu đã có thông tin trước đó, thì anh em cứ chờ đến ngày công bố kết quả thì sẽ biết được có trúng hay không.
Trong trường hợp còn lại, anh em phải đợi đến khi có thông báo chính thức, hoặc ít nhất là bắt đầu thông báo ra mắt token. Nếu sau khi ra mắt token mà vẫn không thấy thông báo nào, chứng tỏ chúng ta đã tìm sai dự án. Không sao, sai thì làm lại, anh em đừng nản, còn thở là còn gỡ.
Rủi ro từ airdrop
Nguồn: BSC news
Dù rằng airdrop là một trong những cách kiếm tiền gần như là ăn chắc, tức là anh em không hề mất tiền, nhưng không thể phủ nhận vẫn có một số bất cập ở những khía cạnh như:
- Giá trị: Anh em đều đổ xô vào airdrop dẫn đến số lượng token của mỗi ví sẽ bị chia nhỏ, từ đó số tiền thu lại được dành cho người dùng chơi ít ví sẽ rất thấp.
- Thời gian: các dạng airdrop yêu cầu người dùng trải nghiệm sản phẩm đa phần buộc người dùng tốn một lượng thời gian nhất định để thử hết tất cả các tính năng, vậy nên anh em nào mà bận rộn thì sẽ rất khó để tham gia.
- Lừa đảo: Một số dự án sẽ phát hành token và bơm nó lên cho đến hôm được niêm yết trên DEX. Sau khi được giao dịch, đội ngũ này sẽ xả ra một lượng coin lớn khiến chúng bị mất giá trầm trọng. Còn kiểu khác là giả vờ thông báo airdrop free, gửi link scam dụ anh em click vào rồi thó luôn Private Key/Seedphrase của anh em. Tự dưng nhận được “của rơi”, nhiều anh em sẽ mất cảnh giác hơn bình thường, nên chú ý nhé.
Ai đã từng tung airdrop?
- Binance, một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới, đã sử dụng airdrop từ năm 2017 như một hình thức quảng bá.
- Dfinity - dự án blockchain hợp đồng thông minh, đã tung đợt airdrop có giá trị lên tới 35 triệu USD
- DEX Uniswap đã tạo và phân phối token UNI cho bất kỳ ai đã sử dụng dịch vụ. Mục đích là để phân cấp giao thức DEX.
- Những người sử dụng Ethereum Name Service (ENS) cũng nhận được một đợt airdrop vào năm 2021 khi giao thức chuyển sang hướng phân quyền.
Tương lai của airdrop
Airdrop đã trở thành một hình thức tiếp thị ngày càng phổ biến và dự đoán sẽ còn bùng nổ hơn nữa trong tương lai khi mà hàng loạt các dự án mới liên tục ra đời muốn khẳng định chỗ đứng trong thương trường khốc liệt này.
Tổng kết
Cái gì cũng có hai mặt, bên cạnh khẩu hiệu “cho không” thì cũng đi kèm nhiều rủi ro khó lường. Do vậy, anh em cần tìm hiểu thật kỹ dự án và tránh tuyệt đối không được tiết lộ bất kỳ thông tin gì liên quan tới mật khẩu, private key, KYC, v,v nhé.
Tổng hợp từ Decrypt và Coindesk